5 triết lý quản trị Marketing phổ biến

Quản trị Marketing như một nỗ lực có ý thức để doanh nghiệp đạt được kết quả mong muốn với thị trường mục tiêu. Vậy những triết lý nào tạo điều kiện cho những nỗ lực đó ?

1.Triết lý sản xuất – Production Concept

Triết lý sản xuất cho rằng người tiêu thụ ưa chuộng sản phẩm có sẵn và giá thấp. Vậy nên việc quản trị marketing phải tập trung vào phân phối sản phẩm và tăng cường sản xuất.

Nguyên nhân khiến người tiêu dùng ưa thích giá thấp và tính sẵn có của sản phẩm vì:

  • Nhu cầu sản phẩm vượt qua khả năng cung cấp thì người mua sẽ quan tâm đến việc có sản phẩm đó để tiêu dùng hơn là các đặc điểm về chất lượng. Vậy nên nhà sản xuất cần tập trung đẩy mạnh sản xuất để tăng khối lượng bán đi và lợi nhuận.
  • Giá thành sản phẩm cao thì cần giảm xuống, doanh nghiệp cần tăng sản lượng để có hiệu quả kinh tế theo quy mô và mở rộng thị trường.

Henry Ford là một trong những doanh nhân thành công đi đầu trong quan điểm marketing sản xuất. Từ những năm 1900, ông đã tập trung mọi nguồn lực để sản xuất ô tô hàng loạt để giảm chi phí đến mức toàn bộ người Mỹ có thể mua được xe ô tô. Đây cũng là chiến lược nhiều công ty Nhật đang hướng đến.

Chiến lược này sẽ rơi vào bế tắc nếu nhu cầu thấp hơn khả năng cung cấp và giá thấp và sự tiện lợi mua sắm không còn là yếu tố chủ chốt mà người tiêu dùng cân nhắc khi mua hàng.

2.Triết lý sản phẩm – Product Concept

Triết lý sản phẩm cho rằng người tiêu thụ ưa thích chất lượng sản phẩm tốt, kiểu dáng độc đáo nên quản trị marketing phải đi theo hướng cải tiến sản phẩm liên tục.

Triết lý sản phẩm có thể tạo ra sự thiển cận khi thực hành quản trị marketing, khiến cho lãnh đạo chú trọng sản phẩm và cải tiến theo quan điểm mà không quan tâm nhu cầu thực sự của người tiêu dùng.

Công ty đồng hồ Elgin là minh chứng điển hình cho bi kịch coi trọng sản phẩm hơn thị trường. Elgin thành lập năm 1864 và nhanh chóng trở thành đơn vị sản xuất đồng hồ lớn nhất nước Mỹ với hệ thống chọn lọc gồm siêu thị và cửa hàng đồ trang sức cỡ lớn. Tuy nhiên đến 1960 thì doanh số công ty sút giảm nhanh chóng và vị trí lãnh đạo bị lung lay.

Công ty luôn trung thành triết lý tạo ra chiếc đồng hồ độ bền cao, đắt tiền, độ chính xác đến từng chi tiết với kiểu dáng truyền thống, nhãn hiệu nổi tiếng thì người tiêu dùng đã thay đổi về quan điểm sản phẩm. Người dùng nghĩ rằng đồng hồ để chỉ giờ và không cần chính xác đến chi tiết, hình thức của chúng phải hấp dẫn và chắc chắn, tiện lợi, giá phù hợp và tiện để mua.

Ngoài ra thị trường đã ra đời nhiều đối thủ cạnh tranh với các loại đồng hồ giá rẻ. Như vậy công ty đã không thích nghi với sự thay đổi và đáp ứng nhu cầu thị trường mà chỉ chú trọng cải tiến sản phẩm theo những yếu tố đã bị chối bỏ.

3.Triết lý bán hàng – Selling Concept

Triết lý bán hàng cho rằng khách hàng không mua sản phẩm nếu doanh nghiệp không có khuyến mại và nỗ lực bán hàng mạnh mẽ.

Triết lý này áp dụng cho hàng hóa có nhu cầu thụ động mà bình thường khách hàng không nghĩ đến việc mua như từ điển bách khoa toàn thư, bảo hiểm,…

Triết lý này cũng ứng dụng cho lĩnh vực phi lợi nhuận như tuyển sinh đại học, gây quỹ từ thiện,…

Phần đông doanh nghiệp theo triết lý bán hàng khi năng lực sản xuất dư thừa. Mục đích của các doanh nghiệp là bán những gì họ đã làm ra chứ không phải làm ra những thứ có thể bán tốt.

Như vậy, để bán được sản phẩm, người làm marketing phải tìm hiểu kĩ nhu cầu thị trường, chọn đúng khách hàng mục tiêu, sản xuất sản phẩm phù hợp, giá cả phù hợp và thực hiện hoạt động quảng cáo, phân phối hiệu quả.

4.Triết lý marketing – Marketing concept

Ra đời chỉ từ những năm 1950 nhưng nhanh chóng được nhiều doanh nghiệp tiếp nhận. Triết lý dựa trên 4 yếu tố chính là khả năng sinh lợi, marketing phối hợp, xu hướng khách hàng và thị trường mục tiêu.

Triết lý này cho rằng để đạt được mục tiêu cần xác định rõ nhu cầu, mong muốn của thị trường mục tiêu và phân phối sự thỏa mãn hiệu quả hơn đối thủ.

5.Triết lý Marketing xã hội – Societal Marketing Concept

Triết lý được hình thành vào năm 1970 và được nhiều quan tâm, chú ý của người làm marketing và doanh nghiệp.

Triết lý này yêu cầu doanh nghiệp xác định rõ mong muốn, nhu cầu, quan tâm của hị trường mục tiêu và phân phối sự thỏa mãn hiệu quả hơn đối thủ theo cách nâng cao phúc lợi xã hội hoặc bảo toàn.

Doanh nghiệp ngày càng chuyển dịch theo hướng làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng và đặt yếu tố lợi ích xã hội vào trong quyết định kinh doanh.

Triết lý marketing xã hội yêu cầu cân bằng 3 mục tiêu lớn là thỏa mãn nhu cầu khách hàng, đảm bảo phúc lợi xã hội và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Như vậy hoạt động marketing mới hiệu quả và bền vững.

Lựa chọn triết lý marketing nào tùy vào rất nhiều yếu tố như đặc điểm sản phẩm dịch vụ, vị thế doanh nghiệp, nhu cầu thị trường, tiềm lực đội ngũ marketing… Và điều cuối cùng là triết lý đó phải đáp ứng nhu cầu khách hàng, không gây ảnh hưởng xã hội và giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận.

Comment